Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

biểu tượng kỳ thú trên xe hơi cổ

Biểu tượng kỳ thú trên xe hơi cổ

Ngoài lịch sử, danh tiếng và số lượng hạn chế còn tới ngày nay, các loại xế cổ còn có một đặc điểm thu hút người hâm mộ nằm ở ngay mũi xe, thứ mà hầu hết các loại xe hiện đại không có.

Cadillac 60 Special by Fleetwood 1940
Cadillac 60 Special by Fleetwood 1940
Cadillac 60 Special by Fleetwood 1940.
Packard Eight Convertible Coupe 1942
Packard Eight Convertible Coupe 1942
Packard Eight Convertible Coupe 1942.
Rolls-Royce Phantom III Labourdette Vutotal Cabriolet 1947
Rolls-Royce Phantom III Labourdette Vutotal Cabriolet 1947
Rolls-Royce Phantom III Labourdette Vutotal Cabriolet 1947.
Rolls-Royce Phantom III Labourdette Vutotal Cabriolet 1947
Rolls-Royce Phantom III Labourdette Vutotal Cabriolet 1947
Duesenberg Model J Murphy Convertible Sedan 1936.
Cadillac Sixty Special Fleetwood Imperial Sedan 1941
Cadillac Sixty Special Fleetwood Imperial Sedan 1941
Cadillac Sixty Special Fleetwood Imperial Sedan 1941.
Thêm ảnh biểu tượng kỳ thú trên xe cổ

Mỹ Anh
Ảnh: Supercars

Nguồn: vnexpress.net

rolls-royce - lịch sử và danh tiếng

Rolls-Royce - Lịch sử và danh tiếng

100 năm sau khi mất, Charles Rolls được gắn tấm biển xanh tại nơi ông từng làm việc ở 14/15 phố Conduit (London, Anh). Rolls-Royce, hãng xe ông cùng Henry Royce thành lập năm 1906, là một trong 3 thương hiệu siêu sang trên thế giới.
> Những bí mật trong đại bản doanh Rolls-Royce

Blue Plaque là tấm biển tròn màu xanh, đánh dấu nơi ở và làm việc của những nhân vật nổi tiếng. Charles Rolls là người thứ 850 được tưởng nhớ theo cách này. Địa chỉ có gắn tấm biển mang tên ông là nơi nhà tiên phong trong ngành công nghiệp ôtô và hàng không từng làm việc từ năm 1905 đến năm 1910.

Câu chuyện của Rolls-Royce bắt đầu khi Frederick Royce, một nhà sản xuất đồ điện người Anh cho ra đời những chiếc ôtô Royce đầu tiên vào năm 1904. Kiểu xe trang bị động cơ 3 xi-lanh, 10 mã lực đã thu hút sự chú ý của Charles Rolls, con trai của một nam tước và rất mê xe hơi.

Xe Royce
Xe Royce 1904 là mẫu xe cổ nhất và đắt nhất từng được bán đấu giá với giá 7.254.290 USD.

Charles Rolls được tính đến như người thứ 4 trong số những người đầu tiên sở hữu một chiếc ôtô tại nước Anh. Ông được ví như Lewis Hamilton thời bấy giờ khi tham gia những cuộc thử nghiệm xe tốc độ cao và từng vài lần phá kỷ lục.

Charles Rolls còn là chủ của một đại lý xe ở London, nơi đầu tiên ông bắt gặp một chiếc Royce. Từ đó, Rolls và Royce cộng tác với nhau: Royce sản xuất xe, còn Rolls bán chúng.

Đua để được thừa nhận

Cũng giống nhiều nhà sản xuất thời đó, Rolls đẩy những chiếc Rolls-Royce đầu tiên vào đường đua nhằm mục đích quảng bá. Những chiếc xe này khá giống chiếc đầu tiên Royce sản xuất. Và danh tiếng thật sự đã đến vào năm 1907 khi động cơ 6 xi-lanh xuất hiện bên trong thân xe 4 chỗ màu bạc có tên 'The Silver Ghost - Con ma bạc'.

Có lẽ Henry Royce không đặt tham vọng tạo ra chiếc 'Xe tốt nhất thế giới' khi thiết kế Silver Ghost. Điều ông muốn là thay thế loại động cơ 6 xi-lanh 'Thirty' bằng thứ gì đó đảm bảo, uyển chuyển và ít ầm ĩ hơn.

Rolls-Royce Silver Ghost
Rolls-Royce Silver Ghost 1907.

Sau khi ra mắt tại triển lãm Olympia (West Kensington, Anh), Silver Ghost trở thành mẫu xe chạy được quãng đường dài nhất, 24.140 km liên tục, sau Model T Ford (35.000 km) và là mẫu xe sang nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Đam mê của Charles Rolls đột ngột chấm dứt vào tháng 7/1910, khi chiếc máy bay kiểu 2 tầng cánh của ông gặp tai nạn. Nhà đồng sáng lập của Rolls-Royce qua đời khi mới ở tuổi 32. Charles Rolls không được chứng kiến chặng đường đầy vinh quang sau đó của Silver Ghost cũng như hãng xe ông góp công xây dựng.

Chỉ riêng bộ khung gầm của Silver Ghost đã có giá khoảng 5.000 USD vào thời điểm đó. Điều đó thực sự biến nó thành chiếc xe dành cho những nhân vật đẳng cấp chứ không phải khách hàng bình dân.

Năm 1911, một hoàng tử Ấn Độ đặt hàng một chiếc Silver Ghost và tháng 9 năm nay, nó được mang ra bán đấu giá với giá khởi điểm khoảng 600.000 USD.

Phantom phế truất Silver Ghost

Rolls-Royce Phantom
Rolls-Royce Phantom - tuyệt phẩm đến từ Anh quốc.

Năm 1925, Silver Ghost bị thay thế bằng Phantom. Thiết kế cổ điển xuất chúng, làm từ những vật liệu hảo hạng, Phantom không chỉ giúp Rolls-Royce phát huy danh tiếng, mà còn làm thay đổi bộ mặt của thị trường xe sang. Mỗi chiếc ra đời đều có những đặc điểm riêng theo tùy chọn của khách hàng.

Thuộc gia đình Phantom còn có Phantom Extended Wheelbase (trục cơ sở dài), Phantom Drophead Coupé (2 cửa 4 chỗ mui trần) và Phantom Coupé (coupe 2 cửa 4 chỗ). Mỗi phiên bản có thiết kế riêng, nhưng đều sử dụng cùng loại động cơ V12 công suất 453 mã lực đi cùng hộp số tự động 6 cấp.

Một trong những đặc điểm độc đáo của Phantom là bộ khung xe bằng nhôm được hàn bằng tay từ hơn 500 bộ phận khác nhau. Mỗi chiếc lại được lắp ráp bằng tay theo đơn đặt hàng. Người mua có thể tự chọn từ màu sơn, da bọc cho đến gỗ ốp.

Mỗi loại vật liệu trên Phantom đều thuộc hàng cao cấp rất đắt tiền. Gỗ mang về từ các khu rừng khắp thế giới và tại nhà máy Goodwood, Anh, những người thợ thủ công tài hoa làm ra những lớp gỗ ốp độc nhất cho mỗi chiếc xe. Mỗi xe lại mất 2 tuần bọc da và chỉ là da loại A của bò đực.

Rolls-Royce và những khách hàng đặc biệt

Thứ góp phần làm nên danh tiếng của hãng xe Anh quốc là một lượng không nhỏ khách hàng thuộc các hoàng gia nổi tiếng thế giới, các tỷ phú, triệu phú đô-la hay những ngôi sao trong làng giải trí.

Năm 1949, Rolls-Royce nhận được đơn đặt hàng từ Công tước của Edinburgh. Năm 1977, một chiếc Phantom VI được tặng cho Nữ hoàng Anh Elizabeth. Vào tháng 4/2011, cô dâu của hoàng gia Anh, Kate Middleton tới Tu viện Westminster trong chiếc xe cổ Rolls Royce để làm lễ thành hôn với hoàng tử William.

Độ tuổi trung bình của khách hàng kể từ khi BMW sở hữu Rolls-Royce (1998) là 50, trẻ hơn 10 tuổi so với trước kia. Và theo một điều tra, khách hàng của Rolls-Royce có ít nhất 30 triệu USD trong tài khoản, không bao gồm bất động sản. Một bằng chứng đủ để làm khẳng định đẳng cấp của nhãn hiệu này.

* Ảnh Rolls-Royce Phantom Sapphire độc tại Hải Phòng

Minh Thủy

Nguồn: vnexpress.net

những công nghệ xe hơi gắn liền với mercedes

Những công nghệ xe hơi gắn liền với Mercedes

Mercedes là cái tên gắn liền với lịch sử xe hơi và những phát minh mà cả thế giới đang thừa hưởng.
> Chủ tịch Kim Jong-il và niềm đam mê Mercedes

Chiếc xe hơi đầu tiên mang tên nhà sáng lập Karl Benz nhưng Mercedes lại không phải là hãng lớn thế giới, giống GM, Toyota hay Ford. Mục tiêu mà hãng xe Đức vươn tới không chỉ là doanh số, mà quan trọng hơn là sự sáng tạo để xe hơi ngày càng an toàn, sang trọng và đẳng cấp hơn.

Mercedes luôn tìm cách vượt qua chính mình, vứt bỏ thành công cũ để đạt những giá trị mới và không ngạc nhiên khi hãng này đang sở hữu tới 80.000 bằng sáng chế. Và châm ngôn của hãng này là: 'Lái xe chỉ thú vị khi an toàn'.

Cân bằng điện tử ESP là công nghệ an toàn hàng đầu hiện nay, góp phần làm giảm một phần ba tai nạn mỗi năm, theo Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA. Tất cả các xe ở Mỹ sẽ phải trang bị ESP từ 2012 cho thấy tầm quan trọng của thiết bị này.

Mercedes CLS - sáng tạo của hãng xe Đức trong dòng coupe 4 cửa.
Mercedes CLS tại Việt Nam Motor Show 2011. CLS là sáng tạo của hãng xe Đức trong dòng coupe 4 cửa.

Năm 1987, Mercedes và BMW tung ra công nghệ kiểm soát độ bám đường TCS (Traction Control System) với chức năng phanh độc lập ở mỗi bánh và giảm ga giữ độ bám đường cho xe hơi trong những tình huống khẩn cấp. TCS là khởi thủy của ESP, bởi TCS chỉ làm nhiệm vụ duy trì độ bám mà không trợ giúp tài xế đánh lái.

Sau đó, BMW và Mercedes cùng hợp tác với hãng phụ trợ Robert Bosch phát triển TCS lên cao hơn. Nhưng BMW chỉ tập trung vào giải pháp tự động giảm ga để duy trì độ bám. Trong khi Mercedes cùng Bosch nghiên cứu công nghệ duy trì độ cân bằng tự động mang tên tiếng Đức Elektronisches Stabilitätsprogramm (Electronic Stability Programme) sau này thương mại hóa dưới cái tên ESP.

Năm 1995, Mercedes lần đầu tiên đưa ESP lên sản phẩm thương mại, chiếc S600 Coupe là mẫu xe. Kể từ đó, ESP dần phổ biến với nhiều cách gọi khác nhau, tùy theo cách gọi của từng hãng như ESC, DSC (BMW), VSA (Acura), VDC (Fiat), VSC, PSM (Porsche). Dù thế nào thì nguyên tắc hoạt động cũng giống nhau, dựa trên giải pháp của Mercedes. Từ 1999, toàn bộ xe Mercedes đều trang bị ESP, ngoại trừ những dòng xe thể thao đặc biệt.

Hãy thử tưởng tượng đang lái xe trên một con đường quen thuộc. Hôm nay, mặt đường xuất hiện một đám nhớt lớn. Tưởng chừng như vô hại, bạn ung dung đánh lái vào cua như thường lệ. Bỗng dưng xe đột ngột quay tròn, bánh mất độ bám, lực ly tâm làm xe bị văng ra, trăm nghìn điều tồi tệ có thể ập tới sau đó. Một chiếc xe đi ngược chiều xuất hiện, hay bên kia là vực thẳm…

Nhưng nếu xe mà bạn đi được trang bị hệ thống cân bằng điện tử mọi chuyện sẽ xảy ra theo một hướng khác. Ngay khi thân xe có xu hướng bị quay hoặc văng ra do lực quán tính ly tâm vì lực bám giảm. ESC tự động giảm công suất động cơ và phanh những bánh xe thích hợp. Nhờ đó xe vẫn giữ được chuyển động ổn định.

Dù không phát minh ra hệ thống chống bó cứng phanh ABS nhưng Mercedes lại là hãng tiên phong ứng dụng. Năm 1978, S-class là dòng xe đầu tiên trang bị ABS thế hệ thứ hai. Đến 1980, toàn bộ xe Mercedes đều trang bị công nghệ này. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay còn nhiều mẫu xe đời 2011 chưa có ABS.

ABS trên xe Mercedes cũng khác biệt. Hầu hết các xe trang bị ABS theo kiểu kích hoạt hệ thống thủy lực bóp-nhả má phanh, tránh hiện tượng bó cứng khi cảm biết nhận thấy hiện tượng khóa cứng xuất hiện ở bánh nào đó. Nhưng ABS trên Mercedes lại nhận biết sớm hơn, ngay từ khi tài xế nhả chân ga. Các chuyên gia cho rằng khi gặp tình huống khẩn cấp, tài xế sẽ nhả chân ga trước tiên. Vì thế nếu ABS sẵn sàng ngay từ khi nhả chân ga (một cách đột ngột theo cảm biến tốc độ nhả) và kích hoạt khi vừa chạm phanh thì thời gian sẽ sớm hơn 1 giây, tương đương quãng đường 18 m nếu đi với vận tốc 60 km/h.

Khi công nghệ an toàn cho xe hơi tưởng chừng 'bão hòa' thì Mercedes tung ra giải pháp an toàn đón đầu Pre-safe cho thế hệ S-class năm 2002. Pre-Safe nâng cao khả năng bảo vệ hành khách bằng một gói những công nghệ được mô tả là 'đến tận răng'.

Pre-Safe là khái niệm mới về bảo vệ dựa trên nguyên tắc phòng ngừa và không phải là một thiết bị riêng lẻ. Pre-Safe liên kết với những hệ thống an toàn ESP, trợ lực phanh BAS và nhờ vào một tập hợp cảm biến để thu thập dữ liệu để phản xạ ngay khi chớm nhận ra dấu hiệu khởi phát của một mối nguy nào đó. Phát minh của Mercedes là trợ giúp lái xe bằng cách tận dụng khoảng thời gian vài giây mà trước đây họ thường dùng nhận định và phản ứng một cách bị động.

Khi gặp tình huống khẩn cấp và cần phanh gấp thông qua hệ thống trợ lực phanh, Pre-Safe lập tức ra lệnh cho các dây an toàn siết chặt, giữ tài xế và hành khách hàng ghế trước. Đồng thời, ghế lùi về phía sau, tăng khoảng cách ghế với bảng đồng hồ. Dây an toàn trang bị bộ chỉnh điện có khả năng phản ứng siết chặt chỉ trong vài phần nghìn giây từ trạng thái bình thường.

Ngoài ra, Pre-Safe còn điều chỉnh nệm và lưng ghế chuyển sang tư thế bảo vệ. Ghế sẽ trượt đến vị trí an toàn để vai người ngồi được giữ chắc và tránh đến mức thấp nhất chấn thương nếu phải bung túi khí.

Nếu xe mất lái, Pre-Safe tự động đóng cửa sổ trời và cửa kính, hỗ trợ và tăng tác dụng của túi khí hông khi nó bung ra, trong trường hợp va chạm cạnh hoặc xe lật. Bảo vệ người ngồi không bị văng ra ngoài hoặc cản không cho vật lạ bay vào xe.

Thế giới cũng ghi nhận Mercedes là hãng đầu tiên đưa ra định nghĩa dây an toàn tự siết chặt khi có va chạm, nhằm giảm mức chấn thương do va đập với túi khi hay vô-lăng. Hãng này cũng có bằng phát minh cho túi khí và kiểm soát độ bám đường ở châu Âu.

7G-Tronic là hộp số 7 cấp đầu tiên trên thế giới. Ngoài việc tạo cảm giác lái êm ái hơn thì hộp số này cũng khơi mào cho cuộc đua chế tạo hệ dẫn động nhiều cấp với 8 cấp trên Lexus, BMW hay Multitronic của Audi. Hyundai còn tham vọng hơn khi lên kế hoạch phát triển hộp số 10 cấp.

Trọng Nghiệp

Nguồn: vnexpress.net

con bọ volkswagen beetle và lịch sử oai hùng

'Con bọ' Volkswagen Beetle và lịch sử oai hùng

Không một mẫu xe hiện tại nào có sức sống như 'con bọ' của Volkswagen khi gắn liền với nhà độc tài Hitler, chiến tranh thế giới thứ hai và vẻ đẹp chưa bao giờ lỗi thời.

Tính tới 2003, Beetle không hề được thiết kế lại và mẫu xe nguyên bản cuối cùng xuất xưởng mang số thứ tự 21.529.464. Nếu tính tỷ lệ xe sản xuất trên số lần thiết kế, chưa mẫu nào trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới có thể vượt qua nó.

"Con bọ" bắt đầu mầm sống vào mùa hè 1933, khi Adolf Hitler triệu tập kỹ sư Ferdinand Porsche (người sáng lập hãng Porsche về sau) đến khách sạn Kaiserhof tại Berlin. Hai người bàn về việc sản xuất một mẫu xe nhỏ, 4 chỗ, động cơ bền, làm mát bằng không khí và tiêu hao nhiên liệu nhỏ hơn 6 lít/100 km. Lý do mà nhà độc tài đưa ra là hầu hết các gia đình Đức thời đó không có gara. Ảnh: Edmunds.
Đến cuối những năm 1930, Porsche đưa ra bản thiết kế mang tên KdF-Wagen. Nhưng ông ghét cái tên này. Nickname 'Beetle' xuất hiện trên tờ New York Times cùng năm. Hitler yêu cầu giá xe dưới 1.000 mark (vào khoảng 250 USD), một chi phí quá thấp. Mục tiêu chính của Hitler là dùng Beetle để tìm sự ủng hộ của dân chúng. Đồng minh Mussolini đã làm cho những chiếc tàu hỏa Italy chạy đúng giờ còn Hitler thì muốn cho dân Đức nhà nhà có xe hơi. Trong ảnh, Porsche đang chỉ những đặc điểm của KdF Wagen cho Hitler. Ảnh: Life.
Hitler trong một buổi lễ ở nhà máy Volkswagen năm 1938 cùng với những chiếc Beetle đầu tiên. Ảnh: Life.
Chiến tranh kết thúc, ngày 17/7/1946, Volkswagen đưa "con bọ" đầu tiên tới đại lý Gottfried Schultz, Essen, Đức. Đó là mẫu xe Beetle dân dụng đầu tiên bán cho quảng đại quần chúng và tròn 13 năm sau lời hứa của Hitler. Trong ảnh là con bọ chụp tại cổng Brandenburg thành phố Berlin. Ảnh: Life.
Vào những năm 1950, Beetle tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới nhờ thiết kế nhỏ gọn, thích hợp với điều kiện kinh tế sau chiến tranh. Từ một 'con bài' của Hitler trở thành sản phẩm thân thuộc hàng ngày của người dân châu Âu với giá khoảng 1.200 USD vào lúc đó. Riêng 1958, VW đã bán ra tới 450.000 chiếc trên toàn thế giới. Ảnh: Edmunds.
Dây chuyền sản xuất Beetle năm 1960. Đây là giai đoạn mà con bọ trở thành biểu tượng cho cả thế giới. Thiết kế độc đáo, nhỏ nhắn và 'dễ thương', sản phẩm ăn khách này là con gà đẻ trứng vàng khi nhà sản xuất không tốn công thiết kế lại. Ảnh: Life.
Beetle còn tạo thành làn sóng trong giới hippie. Trong ảnh là đoàn xe tới Woodstock, Mỹ năm 1969. Ảnh: Life.
Hình ảnh thể hiện cho sự thân thuộc với Beetle trong lễ hội ở Woodstock, New York. Ảnh: Life.
Beetle là một mẫu xe hiếm hoi mà sơn màu nào cũng đẹp. Người ta còn có thể phát huy những sáng tạo rất đặc biệt. Ảnh: Life.
Đến thời kỳ 1970, Beetle bắt đầu rơi vào suy thoái. Nó không còn hấp dẫn khi mà nhiều mẫu xe ra đời có sức mạnh lớn hơn, tiện dụng hơn. Vóc dáng nhỏ nhắn không thích hợp với những chuyến đi dài. Động cơ yếu không tạo cảm giác 'sướng' với những người ưa tốc độ. Ảnh: Edmunds.
Sau 1980 là thời kỳ 'quên lãng' của mẫu xe lâu đời nhất thế giới. Hàng loạt nhà máy đóng cửa do doanh số sụt giảm. Đến 1998, VW bắt tay thiết kế lại Beetle nhằm thích nghi với nhu cầu mới của thị trường. Trên ảnh là chiếc New Beetle ra mắt năm 1998. Trải qua 60 năm, có tới 21,5 triệu xe được bán ra trên toàn cầu. Ảnh: Edmunds.
New Beetle vẫn giữ những nét cơ bản so với Beetle cũ nhưng có phần hợp với nữ giới hơn. Thời trang trong đường nét cổ điển là điểm mạnh nhất. Ở Việt Nam, New Beetle có giá khoảng 995 triệu đồng. Ảnh: Trọng Nghiệp.

Trọng Nghiệp

Nguồn: vnexpress.net

những bí mật trong đại bản doanh rolls-royce

Những bí mật trong đại bản doanh Rolls-Royce

Nằm lặng lẽ, yên bình trên thửa đất hơn 16 ha, Goodwood, Anh, tổng hành dinh Rolls-Royce tiêu tốn của BMW hơn 65 triệu USD. Nơi đây có khoảng 400.000 cây xanh sống cùng động vật hoang dã, tất cả nước thải được tái tạo để sử dụng và không có một ngọn khói nhỏ.

Đại bản doanh Rolls-Royce trải rộng trên diện tích 42 mẫu Anh (16,8 ha). Lý do khiến BMW, hãng sở hữu hoàn toàn Rolls-Royce từ 2002, chọn Goodwood bởi nhà sản xuất này có những mối quan hệ đặc biệt với Lord Charles March và nơi đây có lễ hội tốc độ nổi tiếng (Festival of Speed). Không có gì thuận lợi để BMW tiếp cận khách hàng hơn khi Festival of Speed quy tụ tất cả những gì có thể di chuyển bằng động cơ đến thể hiện mình, ngoại trừ tàu hỏa. Những tay đua môtô nổi tiếng, những nhà vô địch F1 tới đây khoe tài năng còn các phi công diễn thời trang bằng máy bay trên trời trong sự chứng kiến của hơn 100.000 khách tham quan.

Nhà máy của Rolls-Royce nằm một cách yên bình tại Goodwood. Ảnh: RR.
Nhà máy của Rolls-Royce nằm yên bình tại Goodwood. Ảnh: RR.

Khởi công năm 2001, BMW đã chi hơn 65 triệu USD để làm nên một dinh cơ cho Rolls-Royce, xứng tầm với giá trị thương hiệu này. Số tiền khổng lồ trên chưa kể tới chi phí mua đất bởi họ vẫn thuê của Lord March, nơi diễn ra Lễ hội Festival of Speed. Không chỉ có những thuận lợi trên, nhà máy của Rolls-Royce còn rất gần cảng Southampton, điểm trung chuyển hàng hóa lớn, chiếm tới 90% sản phẩm xuất khẩu đi khắp thế giới của Anh. Vì vậy, việc nhập khẩu thiết bị phụ tùng lắp ráp rất dễ dàng và người ta vẫn thường gọi xe của nhà sản xuất này là 'thành quả của toàn cầu hóa'.

Dinh cơ của Rolls-Royce trồng khoảng 400.000 cây xanh, bụi rậm và nhiều động vật hoang dã. Tất cả đều phát triển một cách tự nhiên và gần như không có tiếng ồn cũng như khí thải từ các phân xưởng. Góc của tòa nhà bọc bằng thép không gỉ và những tấm cửa kính lớn có mái hắt. Phía trên chúng là mái kính rộng 3,2 ha. Nước và nước thải được tái tạo để bảo vệ môi trường. Lãnh đạo Rolls-Royce tuyên bố nhà máy sẽ không thải ra ngoài bất cứ giọt nước bẩn hay chút khí độc nào.

Phân xưởng lắp ráp bằng tay sạch bóng và tĩnh lặng. Ảnh: RR.
Phân xưởng lắp ráp bằng tay sạch bóng và tĩnh lặng. Ảnh: RR.

Phía bên nhà máy Goodwood là những văn phòng làm việc và khu lắp ráp cao 15 m. Ở đây không có những đám đông, không có robot, không có những thiết bị gây tiếng ồn. Các nghệ nhân làm việc một cách lặng lẽ với từng bộ phận xe nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, Rolls-Royce sản xuất duy nhất mẫu Phantom, nhưng không vì thế mà công việc của họ nhàn hạ hơn nơi khác. Bởi dù vỏ Phantom đưa từ Đức sang nhưng công đoạn sơn cầu kỳ với 15 lớp được thực hiện hoàn toàn tại đây.

Các nghệ nhân chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 56 bộ phận bằng gỗ khác nhau với màu sắc, hình dáng tùy thuộc vào từng yêu cầu của khách hàng. Gỗ sử dụng trên Phantom là loại Walnut nhập từ California (Mỹ) hoặc Elm của Anh có kích thước khoảng 10 mét vuông và dày 0,6 mm. Walnut là gỗ của cây óc chó thường được dùng để chế tạo mặt đồng hồ, còn Elm là gỗ cây đu có độ bền cao và chống lại tốt những va chạm mạnh. Mỗi chiếc Phantom được tạo nên từ khoảng 400 bộ phận da nhập từ Bavaria (Đức) hay từ Argentina.

Chiếc Phantom trước cửa đại bản doanh. Ảnh: RR.
Chiếc Phantom trước cửa đại bản doanh. Ảnh: RR.

Công sức của những người làm việc tại Rolls-Royce được trả công xứng đáng với mẫu Phantom (Bóng ma). Trình làng 2003, tổng số Phantom bán ra năm đầu tiên đạt 300 chiếc và tăng lên 790 vào ngăm ngoái, doanh số lớn nhất của Rolls-Royce trong suốt 15 năm qua. Mới đây, Rolls-Royce đã cho ra đời phiên bản trục cơ sở dài của Phantom và hy vọng doanh số tăng lên khoảng 800 chiếc. Trong lịch sử, không một mẫu xe nào bán được nhiều như Phantom khi mà giá thấp nhất của nó vào khoảng 260.000 bảng Anh (8 tỷ đồng). Một tỷ lệ so sánh lý thú là cứ 3 chiếc Phantom bán ra mới có một chiếc Maybach.

Tuy nhiên, một chi tiết quan trọng khác là căn cứ ở Goodwood của Rolls-Royce chỉ là nơi sản xuất còn 'sào huyệt' thiết kế lại được hãng này đặt tại nơi khác. Trong một ngân hàng cũ bí mật nằm ở thủ đô London, các kỹ sư người Đức miệt mài nghiên cứu, sáng tạo để cho ra những mẫu xe hoàn hảo nhất còn các nhân viên người Anh cũ của Rolls-Royce đảm nhiệm vai trò quản lý dự án. Cho đến nay, không ai biết trụ sở thiết kế của Rolls-Royce thực sự ở đâu.

Trọng Nghiệp

 

Nguồn: vnexpress.net

lịch sử phát triển của hộp số ôtô

Lịch sử phát triển của hộp số ôtô

Phác thảo đầu tiên của hộp số cận đại mà Panhard-Levassor đưa ra đã gặp phải những lời chỉ trích nặng nề, nhưng điều đó vẫn không thể ngăn cản hai ông tạo nên bước ngoặt lịch sử trong ngành công nghiệp ôtô.

Sự ra đời của hộp số sàn

Được ví như trái tim của hệ thống truyền lực, hộp số biến đổi mô-men, tốc độ làm việc của động cơ sao cho phù hợp với điều kiện làm việc của bánh xe trên đường. Kể từ khi phát minh nổi tiếng của George Selden về bộ truyền động cầu trước kết hợp với động cơ 3 xi lanh đặt nằm ngang trở thành thiết kế trên xe hơi, có rất ít ý tưởng mới phù hợp.

Giới thiệu vào năm 1894, bản phác thảo đầu tiên của hộp số cận đại do hai kỹ sư người Pháp, Louis-Rene Panhard và Emile Levassor đưa ra đã không mang về cho hai ông vinh quang mà ngược lại phải nhận những chỉ trích.

Buổi thuyết trình không thành công, chiếc xe mô hình bị chết máy, nội dung bị cắt bớt chỉ còn trình bày trên bảng đen. Một tờ báo viết 'kẻ bịp bợm đã dùng nhiều trò mánh khóe để lừa gạt công chúng hâm hộ cùng với chiếc xe mới". Có lẽ các nhà phát minh nên bỏ qua buổi nói chuyện công nghệ và sử dụng mô tả vừa đủ. Những gì họ đã làm thật thô thiển.

Chiếc xe do George Selden thiết kế vào năm 1877.

Thời ấy, kết cấu truyền động khá đơn giản bằng bộ truyền đai hoặc bộ truyền bánh răng côn. Xe chỉ có thể chạy với tốc độ đa 32 km/h. Khi gặp vật cản trên đường, tài xế phải dừng lại gài số thấp.

F. W. Lanchester, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực ôtô ở Anh, mô tả về chiếc xe của ông gồm hai cấp truyền đai, một cho tốc độ thấp, cần mô-men lớn và một ở tốc độ cao, mô-men nhỏ.

Một năm sau cuộc hộp báo tai tiếng, Panhard and Levassor nổi danh trở lại không những chỉ với riêng hộp số mà còn toàn bộ hệ thống truyền lực. Lần này, họ đã có chiếc xe đầu tiên sẵn sàng chạy khi đạp ga. Bên cạnh đó họ cũng đã có rất nhiều thay đổi về ý tưởng. Thực tế, nó là một mẫu đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của xe được xây dựng vào những năm 90 và cả những năm sau đó.

Không giống như mẫu xe hiện thời, thiết kế mới có động cơ đặt dọc phía trước, truyền công suất ra cầu sau thông qua ly hợp và hộp số trượt 3 cấp và cầu chuyển động bằng xích. Nó gần giống như hệ thống truyền lực trên các xe hiện đại, nhưng chưa có vi sai và bán trục chủ động. Tuy nhiên, vào năm 1898, điều này đã trở thành hiện thực khi nhà triệu phú Louis Renault kết nối công suất thành công từ động cơ đặt dọc, qua hộp số tới cầu sau "sống" bằng trục kim loại.

Cầu sau "sống" hay còn gọi là vi sai cầu sau, cái mà Renault đã làm phù hợp với ý tưởng phát triển của một người Mỹ có tên C. E. Duryea vào năm 1893. Vì đã khắc phục vấn đề mòn lốp, nên phát minh này được hầu hết các nhà sản xuất ôtô áp dụng. Vi sai bao gồm một cụm bánh răng răng khớp làm nhiệm vụ phân chia công suất cho hai bánh của cầu sau. Nó cho phép bánh phía ngoài quay nhanh hơn bánh trong khi xe quay vòng.

Năm 1904, hộp số sàn sang số trượt của Panhard-Levassor đã được hiện thực hóa bởi hầu hết các nhà sản xuất ôtô. Dù tồn tại dưới dạng này hay dạng khác thì chúng vẫn còn được sử dụng cho đến thời gian gần đây. Hiển nhiên, đã có những cải tiến, thay đổi quan trọng nhất là hệ thống đồng bộ hóa cho phép quá trình ăn khớp giữa cách bánh răng diễn ra một cách trôi chảy, không phát sinh va đập. Hộp số trang bị bộ đồng tốc được Cadillac sử dụng lần đầu tiên vào năm 1928. Sau khi được Porsche phát triển, phát minh này đã trở nên phổ biến cho đến tận ngày nay.

Khoảng thời gian kể từ khi hộp số sàn xuất hiện cho đến thời điểm phát minh ra bộ đồng tốc, có một sự cố gắng khác cũng nhằm đơn giản quá trình sang số. Đó chính là hộp số có cấu tạo từ bộ truyền bánh răng hành tinh, xuất hiện lần đầu tiên trên mẫu Ford Model T 1908.

Ford Model T 1908
Ford Model T 1908.

Bộ truyền bánh răng hành tinh bao gồm một bánh răng trung tâm hay còn được gọi là bánh răng mặt trời, một số bánh răng hành tinh ăn khớp xung quanh. Ngày nay, bộ truyền hành tinh được sử dụng trên hộp số tự động nhiều hơn trên số sàn.

Một vài loại số sàn phức tạp sử dụng bánh răng hành tinh đã được đưa ra, Wilson Preselector là một trong những hộp số như thế. Nó từng được sử dụng vào những năm 30. Hệ thống sử dụng 4 bộ truyền bánh răng hành tinh riêng rẽ, cho phép lái xe chọn trước một tỷ số truyền bằng cách di chuyển cần điều khiển nhỏ cạnh trục lái.

Sự ra đời của hộp số tự động

Kể từ khi hộp số Panhard-Levassor ra đời, tất cả các phát minh hay cải tiến khác đều nhằm mục đích làm cho quá trình sang số dễ dàng hơn. Tất nhiên dễ nhất là quá trình chuyển số được thực hiện một cách tự động. Đó là lý do giải thích vì sao Sturtevant, anh trai của Boston, giới thiệu hộp số tự động vào năm 1904.

Quả văng ly tâm điều khiển sự ăn khớp của các bánh răng theo tốc độ, Quá trình sang số không cần đến sự đóng mở của ly hợp. Tuy nhiên bộ truyền này gặp lỗi, trọng lượng thường lệch bề một bên.

Reo đã có một sự cố gắng đầy ý nghĩa vào năm 1934 khi cho ra đời hộp số Reo Self-Shifter gồm hai bộ truyền mắc nối tiếp. Bộ truyền thứ nhất tự động chuyển số bằng cách điều khiển quá trình đóng mở ly hợp ma sát nhiều đĩa theo tốc độ xe. Bộ truyền thứ 2 được điều khiển bằng tay nhưng chỉ sử dụng khi động cơ cần tỷ số truyền thấp.

Reo Self Shifter
Sơ đồ cấu tạo hộp số Reo Self Shifter.

Năm 1937, Oldsmobile tung ra hộp số bán tự động 4 cấp được gọi " hộp số an toàn tự động". Tài xế không cần sử dụng tới bàn đạp ly hợp và cần số khi xe chuyển từ số 1 sang số 2 hoặc từ 3 lên 4. Áp suất dầu điều khiển bộ truyền hành tinh. Điểm sang số được thiết lập sẵn theo tốc độ động cơ. Đã có 28.000 chiếc Oldsmobile 1938 trang bị hộp số này. Khía cạnh an toàn mà các nhà sản xuất đưa ra ở đây: lái xe có thể tập trung trên đường nhiều hơn vì không cần thao tác chuyển số.

Hộp số an toàn xuất hiện như một điềm báo trước sự ra đời của hộp số GM Hydra-Matic vào năm 1939. Ngay sau đó, Oldsmobile đã trang bị cho các mẫu xe phiên bản 1940. Buick đã được trang bị hộp số bán tự động 5 cấp trên bản đặc biệt vào năm 1938, nhưng đã có một số vấn đề phát sinh nên nó chỉ được hiện thực hóa vào những năm tiếp theo.

Hydra-Matic gồm 3 bộ truyền bánh răng hành tinh, điều khiển thủy lực. Bộ kết nối thủy lực làm nhiệm vụ truyền công suất từ động cơ sang hộp số thay cho ly hợp.

Danh tiếng về bộ kết nối thủy lực đi tới Chrysler, nơi đã phát triển mẫu ý tưởng vào năm 1937. Tuy nhiên, Chrysler đã không sử dụng cho đến năm 1941, khi hộp số Chrysler Fluid Drive được giới thiệu. Tuy đây không phải hộp số tự động, nhưng nó là hộp số tiêu chuẩn cùng kết nối thủy lực, không có ly hợp.

Ý tưởng đã có từ lâu, nhưng đến năm 1948 hộp số tự động hoàn toàn mới xuất hiện, sử dụng biến mô thủy lực và bộ truyền bánh răng hành tinh như ngày nay. Chiếc Buick Roadmaster vinh dự là mẫu xe đầu tiên trang bị Dynaflow, một trong những mẫu hộp số tự động hiện đại, như là một option giá 244 USD. Trong vòng 3 năm, 85% Buick đã có Dynaflow.

Một vài phát minh liên quan tới hệ thống truyền lực

Hòa chung vào lịch sử phát triển của hộp số, ngành công nghiệp ôtô cũng chứng kiến sự ra đời của nhiều phát minh khác liên quan tới hệ thống truyền lực.

Trong thời kỳ đầu khởi tạo hộp số, đai ốp da, ly hợp nhiều đĩa, ly hợp ma sát ướt cũng dần được sử dụng phổ biến. Ly hợp đĩa được Duryea sử dụng lần đầu tiên vào năm 1893 nhưng mãi tới năm 1921 thiết kế này mới được Herbert Frood hoàn thiện khi tìm ra vật liệu chịu mài mòn, chống lại hiện tượng cháy đĩa ma sát sau thời gian ngắn sử dụng.

Được sử dụng lần đầu tiên trên chiếc Peerless 1902, đến năm 1908 khớp các đăng được cải tiến sử dụng ổ bi. Hupmobile 1930 mở đường cho việc trang bị ổ bi kim, cái mà vẫn được tồn tại cho đến hiện tại.

Khóa vi sai sử dụng lần đầu tiên trên xe tải năm 1903 với mục đích tăng lực bám cho bánh xe khi đi trên đường trơn trượt, nhưng chúng vẫn không được sử dụng cho mãi đến năm 1956 khi mà Studebaker sản xuất thiết bị này cho xe dân dụng.

Năm 1906, Otto Zachow và William Besserdich xây dựng thành công chiếc xe truyền động 4 bánh. Một năm sau, họ mở công ty có tên gọi Four Wheel Drive Auto Co. Packard tạo ra thêm mốc phát triển mới bằng việc giới thiệu bộ truyền lực chính sử dụng bánh răng công xoắn. Và cũng chính Packard đã đưa bánh răng Hypoid vào cầu sau với mục đích cắt giảm tiếng ồn. Chrysler và DeSoto Airflow cho ra đời bộ khởi động nhanh tự động vào 1934.

Phát triển cuối cùng có lẽ là hộp số tự động vô cấp CVT. Một điều thú vị, sau 100 năm phát triển, người ta lại quay trở về với bộ truyền động đai.

Thế Hoàng

Nguồn: vnexpress.net

lịch sử bmw serie 3 qua các thế hệ

Lịch sử BMW serie 3 qua các thế hệ

Trong suốt 30 năm, serie 3 luôn là con gà đẻ trứng vàng của BMW với chỗ đứng khó dòng xe nào có thể thay thế.

Thế hệ đầu tiên của dòng sedan hạng sang mang mã hiệu E21 như là một sự thay thế 'New Class' gồm mẫu sedan 1500 và coupe 2002 trứ danh. Paul Bracq là giám đốc bộ phận thiết kế là người định hướng thiết kế, còn Wilhelm Hofmeister là tác giả của những nét phác họa nên E21.

E30 được sản xuất từ năm 1982 đến năm 1991, là thành viên quan trọng nhất trong gia đình serie 3 với sự góp mặt của phiên bản sedan 4 cửa, mui trần và cả wagon. Thế hệ đầu tiên có dòng xe tính năng cao M3 cũng dựa trên khung sườn của E30.

Lịch sử serie 3 tiếp tục với những mẫu xe hiện đại và được nâng cấp nhiều hơn E36 (1990), E46 (1998), E90 (2005), và F30 là thành viên mới nhất.

Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.

Bảo Sơn
Nguồn video: Youtube

Nguồn: vnexpress.net

vespa px chuẩn bị tới việt nam

Vespa PX chuẩn bị tới Việt Nam

Mẫu scooter nằm trong ký ức của nhiều người mê xe Việt Nam sắp có mặt dưới dạng phân phối chính hãng từ Piaggio Việt Nam.

Dự kiến PX sẽ có mặt trong tháng 8 này và mức giá vẫn được giữ kín. PX là một trong những dòng xe Vespa được yêu thích nhất tại Việt Nam, nhờ sự khác biệt trong thiết kế.

Kiểu dáng đã trở thành huyền thoại cùng hộp số bốn cấp cổ điển đã tạo nên phong cách riêng biệt. 17 triệu xe bán trên toàn cầu từ 1946 đã liên kết con người từ các quốc gia, nền văn hóa khác nhau. Đa phần trong số đó là người trẻ.

Vespa PX 125 2011 chuẩn bị bán rộng rãi tại châu Âu.
Vespa PX 125 2011 chuẩn bị bán rộng rãi tại châu Âu.

PX trở nên phổ biến ở châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhờ 'cá nhân hóa' nhu cầu di chuyển. Kéo dài hơn 33 năm, PX là một trong số ít các mẫu scooter có bề dày lịch sử như vậy. Nhiều xe vẫn đang lăn bánh ở khắp các nước, chứng tỏ ngoài sự hiệu dụng, bền bỉ, PX còn ăn sâu vào tâm trí của những người sở hữu.

Do yêu cầu khí thải khiến Piaggio phải ngừng sản xuất PX năm 2007 và quay trở lại thị trường châu Âu vào 2011.

Mẫu xe mới vẫn giữ nguyên tính năng của dòng scooter cổ điển, cấu trúc khung đơn, dễ sử dụng, động cơ bền và chiếc bánh dự phòng rất dễ lắp. Ngoài ra, PX là mẫu Vespa duy nhất hiện còn sử dụng số tay bốn cấp gắn trên tay lái.

PX 2011 trang bị đồng hồ tốc độ mới với hai đơn vị đo lường là km/h và mph, đồng hồ xăng màu trung tính, cụm đèn báo được đặt gọn bên trong. Lưới tản nhiệt giữ nguyên phong cách kinh điển của những chiếc PX thế hệ trước.

Cụm đèn hậu vẫn giữ nguyên phong cách thiết kế cổ điển, to và vuông vắn. Đèn chiếu hậu, đèn phanh và đèn bảng số được thiết kế nằm trong cụm đèn hậu này. Ở đằng sau, bộ phận giảm xóc được nối với hộp truyền động, giúp giảm xóc tối đa cho người sử dụng. Vespa PX sử dụng mâm (vành) 10 inchs và lốp (vỏ) kích thước 89 mm. Phanh đĩa trước 20 mm. Phanh sau là loại tang trống.

Tại châu Âu, Vespa PX trang bị động cơ hai thì xi-lanh đơn, làm mát bằng không khí, hệ thống đánh lửa điện tử CDI, xăng 95 và đạt tiêu chuẩn Euro 3. Khách hàng có thể chọn loại 125 hoặc 150 phân khối. Trọng lượng khô 97 kg, bình xăng 8 lít.

Giá của PX tại châu Âu vào khoảng 4.150 USD.

>> Thêm ảnh Vespa PX

Trọng Nghiệp

Nguồn: vnexpress.net

lịch sử phát triển của vespa px

Lịch sử phát triển của Vespa PX

Được coi như một biểu tượng phong cách không bao giờ lỗi mốt, được người người say mê, từ ngôi sao điện ảnh cho đến giới nhân viên văn phòng, Vespa PX từng bị dừng sản xuất vào 2007 và tái xuất vào 2010.
>Vespa PX chuẩn bị tới Việt Nam

Vespa PX
Người đứng thứ 2 từ trái sang chính là cha đẻ của Vespa, tướng Corradino D'Ascanio, từng là một kỹ sư hàng không người Italy. D'Ascanio thiết kế ra chiếc máy bay trực thăng thương mại đầu tiên cho hãng Agusta, đồng thời thiết kế ra mẫu scooter đầu tiên cho Ferdinando Innocenti, nhà sáng lập của một hãng xe scooter nổi tiếng khác của Italy là Lambretta. Do bất đồng, D'Ascanio mang thẳng thiết kế của mình tới cho Enrico Piaggio, con trai của nhà sáng lập ra hãng Piaggio và giúp sản xuất ra những chiếc Vespa đầu tiên.

Tháng 4/1946, 15 chiếc Vespa đầu tiên rời khỏi nhà máy Pontedera, và một trong số đó được chính Enrico Piaggio giới thiệu trước toàn thế giới tại Rome. Dòng scooter mới sử dụng động cơ 2 thì dung tích 98 phân khối với công suất 3,5 mã lực. Xe có hộp số 3 cấp và có thể đạt tốc độ 60 km/h.
Vespa PX
Năm 1952, Vespa bắt đầu lắp ráp xe tại Anh và Pháp. Đến 1965, doanh số của Vespa đã đạt 3,5 triệu xe.

Năm 1977, Vespa PX trình làng tại Milan như một dòng xe mới, vẫn với 2 phanh tang trống, động cơ xi-lanh đơn và bộ khung bằng thép. Nhưng xe đã được nâng cấp với hệ thống treo trước mới và trục sau thiết kế lại để hoạt động ổn định hơn. Sản phẩm này được phân phối với 2 phiên bản là Vespa P 125 X và Vespa P 200 E với hệ thống đánh lửa điện tử. Và kể từ 1978 là Vespa P 150 X.

Hệ thống đánh lửa điện tử sau đó được trang bị trên các mẫu xe khác, với những tên gọi được đổi thành Vespa PX 125 và Vespa PX 150 E. Vào năm 1982, Vespa P 200 E được gọi là Vespa PX 200 E. Một phiên bản thể thao xuất hiện trên thị trường vào năm 1985: Vespa T 5 Pole Position với công suất gần 12 mã lực. Đến 1988, tổng doanh số của Vespa đã đạt 10 triệu xe.

Năm 2003, Vespa PX trở thành một tác phẩm nghệ thuật thật sự dưới sự sáng tạo của Mino Trafeli và được trưng bày tại Bảo tàng Piaggio.

Vespa PX từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình, trong đó có bộ phim hành động Hollywood 'The Bourne Ultimatum' (2007) trong một cảnh rượt đuổi trên đường phố.

Cũng trong năm 2007, Vespa PX bị dừng sản xuất do những yêu cầu khắc nghiệt về khí thải của châu Âu. Mẫu xe cuối cùng được bán ra là Ultima Serie (serie cuối cùng), một phiên bản hạn chế có kính chắn gió, giá để hàng mạ crôm và vành xe mạ crôm với lốp xe viền trắng. Đã có hơn 3 triệu chiếc PX được bán ra trên toàn thế giới.

Nhưng đến 2010, Vespa PX trở lại với người hâm mộ bằng một động cơ nâng cấp đạt các tiêu chuẩn về khí thải, thiết kế kết hợp kiểu dáng cổ xưa với những chi tiết hiện đại. Dự kiến mẫu scooter có mặt tại thị trường Việt Nam trong tháng 8 với mức giá vẫn được giữ kín. Giá của PX tại châu Âu vào khoảng 4.150 USD.
>>Những bức ảnh đẹp Vespa PX

Minh Thủy
Ảnh: Vespa

Nguồn: vnexpress.net

chủ tịch kim jong-il và niềm đam mê mercedes

Chủ tịch Kim Jong-il và niềm đam mê Mercedes

Trong gần 18 năm giữ vị trí lãnh đạo đất nước Triều Tiên, tình cảm đặc biệt của ông Kim dành cho thương hiệu xe hạng sang của Đức từng được đề cập không ít.
> Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il qua đời

Theo The Telegraph, Chủ tịch Kim có một bộ sưu tập Mercedes, trong đó có dòng xe Mercedes 600 Landaulet. Hai chiếc 600 Landaulet từng xuất hiện tại Quốc khánh lần thứ 65 của nước CHDCND Triều Tiên năm 2010.

Trong khi đó hãng tin Kyodo của Nhật dẫn nguồn từ Yonhap News Agency cho biết, trong chuyến thăm Nga vào hồi tháng 8, một chiếc Mercedes đã được chở từ Triều Tiên sang để phục vụ việc di chuyển của Chủ tịch Kim.

Đam mê đối với thương hiệu xe hạng sang Đức của Chủ tịch Kim được thừa hưởng từ cha, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, người luôn ngưỡng mộ trình độ cơ khí của người Đức.

Chiếc Mercedes 600 Landaulet trong Quốc khánh lần thứ 65 của Triều Tiên.
Hai chiếc Mercedes 600 Landaulet trong Quốc khánh lần thứ 65 CHDCND Triều Tiên. 600 Landaulet sở hữu hệ thống thủy lực cho phép cửa, mui có thể mở tự động. Hệ thống treo khí nén. Được sản xuất từ 1963 đến 1981, Mercedes 600 có những khách hàng nổi tiếng như Coco Chanel, John Lenon, Elvis Presley, Rowan Atkinson.
Mercedes
Một chiếc Mercedes trong đoàn phục vụ của Chủ tịch Kim. Ảnh: vehicle.ezinemark.

Một chiếc Mercedes trong đoàn xe của Chủ tịch Kim trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 17/3/2009.
Chiếc Mercedes làm xe cảnh sát ở Triều Tiên.
Chiếc Mercedes làm xe cảnh sát ở Triều Tiên.

Minh Thủy

Nguồn: vnexpress.net